Số ca mắc COVID-19 có xu hướng tăng trở lại ở một số nước châu Á

Theo Bộ Y tế, tính đến ngày 18/7, tổng số ca mắc COVID-19 trên thế giới là hơn 567,8 triệu ca, trên 6,38 triệu ca tử vong. Tại châu Á, số ca mắc COVID-19 có xu hướng tăng trở lại ở một số nước.

Tổng Giám đốc WHO kêu gọi các cơ quan chức năng khôi phục các biện pháp phòng, chống dịch COVID-19, bao gồm tiêm vaccine, đeo khẩu trang, khử khuẩn và giãn cách… – Ảnh: VGP/Hiền Minh

Tại Iran, ngày 17/7 thông báo làn sóng dịch COVID-19 thứ 7 đã bùng phát tại nước này. Bộ Y tế Iran kêu gọi người dân tiêm mũi vaccine tăng cường ngừa COVID-19 và tuân thủ các quy định phòng dịch của ngành y tế, đặc biệt là đeo khẩu trang ở những nơi đông người trong không gian kín.

Bộ Y tế Iran cũng cho biết, nước này đã ghi nhận 5.751 ca mắc mới COVID-19 trong ngày 17/7, với 13 trường hợp tử vong. Trong số các ca mắc có 656 người nhập viện, 516 người trong số này đang trong tình trạng nguy kịch.

Theo số liệu của WHO, trong nửa tháng trở lại đây, số ca COVID-19 toàn cầu tăng 30%, mặc dù tỉ lệ miễn dịch trong cộng đồng (chủ yếu nhờ vaccine) đã giúp tỉ lệ nhập viện và tử vong giảm. Hiện tại, số ca mắc COVID-19 toàn cầu gia tăng, trong đó các biến thể phụ của SARS-COV-2 ngày càng nhiều, nhất là các biến thể Omicron gây nguy hiểm như BA.4, BA.5.

Tại Việt Nam, đến ngày 18/7, cả nước ghi nhận 10.761.435 ca mắc, trong đó 10.755.232 ca trong nước. Đến nay đã có 9.818.357 người khỏi bệnh, 43.091 ca tử vong.

Bộ Y tế cho biết sẽ tiếp tục chủ động bám sát diễn biến tình hình dịch, sự xuất hiện của các biến chủng mới; thường xuyên trao đổi với WHO để cập nhật thông tin kịp thời, chính xác về các biến chủng; xây dựng phương án bảo đảm công tác y tế ứng phó với các tình huống dịch COVID-19 giai đoạn 2022-2023.

Trong thông cáo phát đi ngày 12/7, Ủy ban Khẩn cấp của WHO cho biết, COVID-19 vẫn là vấn đề y tế toàn cầu khi số ca nhiễm vẫn tăng, virus vẫn lây lan và gây sức ép lên hệ thống y tế của nhiều nước, lây lan rất nhanh.

Ngày 13/7, Tổng Giám đốc WHO cũng đã kêu gọi các cơ quan chức năng khôi phục các biện pháp phòng, chống dịch COVID-19, bao gồm tiêm vaccine, đeo khẩu trang, khử khuẩn và giãn cách…Tính đến ngày 18/7, nhóm từ 18 tuổi trở lên ở nước ta đã tiêm 47.087.754 mũi nhắc lại lần 1 (mũi 3), đạt tỉ lệ 70,3%.

Tuy nhiên, vẫn còn nhiều địa phương triển khai tiêm mũi 3 chậm ở nhóm 18 tuổi trở lên, gồm: Cần Thơ (50,7%), Bình Thuận (49,1%), Quảng Nam (45,7%), Đồng Nai (45,2%), Hải Phòng (44,3%).

Xem thêm >>> Chương trình vinh danh Thương Hiệu Nổi Tiếng Đất Việt Năm 2022

Các địa phương có tỉ lệ tiêm mũi 3 cao, gồm: Bắc Giang (96,6%), Bến Tre (95,2%), Nghệ An (95%).

Với mũi tiêm nhắc lần 2 (mũi 4), cả nước ghi nhận tổng số có 6.986.300 mũi tiêm ở người tử 18 tuổi trở lên, chiếm 38,8%.

Các địa phương có tỉ lệ tiêm thấp, gồm: Nghệ An (9,8%), Đồng Tháp (8,8%), Bắc Cạn (6,6%), Bình Định (6,5%), Quảng Bình (4,8%). Các địa phương có tỉ lệ tiêm mũi 4 cao, gồm: Đà Nẵng (87,3%), Kiên Giang (82,6%), Khánh Hòa (81,7%).

Đối với nhóm từ 12-17 tuổi, Bộ Y tế cho biết, các địa phương có tỉ lệ tiêm nhắc lại với tỉ lệ thấp dưới 20% gồm Hà Nội, Thái Bình, Nam Định, Vĩnh Phúc, Hải Dương, Hưng Yên, Quảng Ninh, Hòa Bình, Nghệ An, Hà Tĩnh, Lạng Sơn, Tuyên Quang, Hà Giang, Cao Bằng, Sơn La, Điện Biên, Quảng Bình, Quảng Trị, Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Phú Yên, Bình Thuận, Đắc Nông, THCM, Bà Rịa-Vũng Tàu, Đồng Nai, Tiền Giang, Sóc Trăng, Trà Vinh, Đồng Tháp, Bình Dương.

Các địa phương có tỉ lệ tiêm nhắc lại tốt ở nhóm từ 12 đến 17 tuổi, gồm: Bắc Giang (62,3%), Hậu Giang (59,4%), Thanh Hóa (54,3%).

Nhóm từ 5-11 tuổi, cả nước đã triển khai tiêm tổng số 10.339.835 mũi tiêm. Các địa phương có tỉ lệ tiêm thấp, gồm: TPHCM (41,3%), Nghệ An (41,2%), Đắc Lắc (38,7%), Đà Nẵng (31,7%), Quảng Nam (30,7%).

Các địa phương có tỉ lệ tiêm cao, gồm: Ninh Thuận (99%), Bạc Liêu (98,4%), Sóc Trăng (91,7%). Mũi 2 ở nhóm đối tượng này, cả nước mới triển khai 3.268.148 trẻ, chiếm 28,5%.

Theo Báo Chinhphu.vn