Kết nối vùng, du lịch Long An xác định tuyến đặc trưng, tuyến điểm với 2 dòng sản phẩm chính: Du lịch sinh thái gắn với Khu du lịch Làng nổi Tân Lập, Trung tâm Nghiên cứu, Bảo tồn và Phát triển dược liệu Đồng Tháp Mười; Du lịch vui chơi, giải trí (tuyến Đức Hòa – Bến Lức) gắn với các điểm: Vườn thú Mỹ Quỳnh, Làng cổ Phước Lộc Thọ, Chavi Garden, Happyland.
Theo Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Long An, hiện du lịch Long An đang có sự đa dạng về sản phẩm du lịch sinh thái, du lịch vui chơi giải trí, du lịch thể thao, du lịch hoài cổ. Tuy nhiên để thu hút du khách đến với Long An, ngành Du lịch tỉnh xác định phải tạo ra nhiều sản phẩm mới, hấp dẫn mang nét đặc trưng riêng của Long An. Muốn vậy, ngành du lịch Long An không thể tách rời mối liên kết, hợp tác với các địa phương lân cận, trước hết là TP Hồ Chí Minh và các tỉnh, thành Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL). Đây được xem là một trong những giải pháp, hướng đi mới nhằm “đánh thức” tiềm năng du lịch của tỉnh.
Thời gian qua, tỉnh Long An đã tích cực triển khai một số hoạt động liên kết với TP Hồ Chí Minh và 13 tỉnh, thành trong vùng ĐBSCL để khai thác phát triển các hình thức du lịch đặc thù của Long An. Nhờ vậy, nhiều doanh nghiệp du lịch đã đến khảo sát các tuyến, điểm du lịch mới của Long An, nhằm phát triển loại hình du lịch vui chơi, giải trí, du lịch nông nghiệp.
Ngoài ra, các địa phương vùng ĐBSCL, trong đó có Long An và TP Hồ Chí Minh đã thường xuyên trao đổi thông tin, kinh nghiệm trong công tác quản lý Nhà nước, lập quy hoạch phát triển du lịch, kêu gọi đầu tư, xúc tiến quảng bá, đào tạo bồi dưỡng nguồn nhân lực, xây dựng sản phẩm phát triển du lịch… nhằm thu hút nhà đầu tư và khách du lịch.
Khuyến khích các mối liên kết giữa các địa phương trong cùng một địa bàn trọng điểm du lịch của tỉnh Long An tổ chức xây dựng và thực hiện quy hoạch, phát triển sản phẩm, kết nối tour tuyến du lịch; xúc tiến quảng bá du lịch, xúc tiến đầu tư du lịch, xây dựng thương hiệu du lịch như: liên kết Khu bảo tồn Đất ngập nước Láng Sen với Vườn quốc gia Tràm Chim, Đồng Tháp; địa bàn Tân An và phụ cận với TP Hồ Chí Minh; địa bàn Tân Lập – cửa khẩu Bình hiệp với tỉnh Svây Rieng của Campuchia; địa bàn Đức Hòa – phụ cận với Núi Bà Đen, Tây Ninh và Củ Chi, TP Hồ Chí Minh; địa bàn Cần Đước – Gò Công, Tiền Giang; địa bàn Cần Giuộc – Cần Giờ, TP Hồ Chí Minh.
Long An đã hợp tác với TP Hồ Chí Minh và các đơn vị liên quan mở các tuyến tàu khách, du thuyền tới Long An; phát triển sản phẩm du lịch theo tuyến đường sông Vàm Cỏ Đông và Vàm Cỏ Tây. Tỉnh cũng hợp tác với Đồng Tháp trong phát triển sản phẩm du lịch đặc thù vùng ĐBSCL phù hợp Đề án phát triển sản phẩm du lịch đặc thù vùng ĐBSCL, đặc biệt là trong phát triển vùng trũng Đồng Tháp Mười đối với riêng sản phẩm: tìm hiểu và trải nghiệm cảnh quan và cuộc sống người dân trong mùa nước nổi ở vùng trũng Đồng Tháp Mười gắn kết giữa hai địa phương; đẩy mạnh công tác xúc tiến quảng bá, phát triển hạ tầng, kết nối các doanh nghiệp để hình thành các tour tuyến điển hình.
Hiện, Long An tập trung phát triển sản phẩm du lịch, xây dựng sản phẩm mới, chú trọng tạo điểm nhấn nhằm tạo ra nhiều sản phẩm du lịch đặc trưng, có tính đột phá trong phục hồi và phát triển du lịch của tỉnh (xác định trên 2 loại sản phẩm là du lịch vui chơi giải trí với Vườn thú Mỹ Quỳnh, Làng cổ Phước Lộc Thọ, Chavi Garden, Khu vui chơi, giải trí Happyland; và du lịch sinh thái với Khu du lịch sinh thái Làng nổi Tân Lập, Trung tâm nghiên cứu, bảo tồn và phát triển dược liệu Đồng Tháp Mười – Khu du lịch Cánh Đồng Bất Tận). Tiếp tục hỗ trợ nghệ thuật truyền thống như tài tử cải lương, nghệ thuật xiếc biểu diễn phục vụ tại các khu, điểm du lịch trong toàn tỉnh nhằm xây dựng sản phẩm du lịch đa dạng, phong phú, tăng tính hấp dẫn; phát triển thêm tour, tuyến, đa dạng hóa loại hình du lịch như du lịch nông thôn, du lịch thể thao.. Qua đó, cung cấp thêm nhiều sản phẩm du lịch chất lượng cho nguồn sản phẩm vùng.
Xem thêm >>> HLV Myanmar, Philippines: U23 Việt Nam hay nhất giải, ứng cử viên hàng đầu của SEA Games 31
Mặt khác, với lợi thế là một tỉnh biên giới có cửa khẩu quốc tế, ngành du lịch tỉnh Long An đã đẩy mạnh liên kết với Campuchia tạo ra các chương trình du lịch mang tính khu vực trong khuôn khổ hợp tác phát triển du lịch tiểu vùng sông Mê Kông mở rộng (GMS). Xây dựng một số chương trình du lịch xuyên biên giới, kết nối các điểm đến nổi tiếng của Long An với các điểm đến trên lãnh thổ vùng biên Campuchia.
Từ các chương trình, hội nghị giữa các tỉnh, thành phố trong khu vực, ngay đầu năm 2022, sản phẩm mới của vùng đã ra mắt với 03 tour: Sông nước Cửu Long, Điểm hẹn vùng biên, Nhịp sống Mekong – trong đó, Long An đã có tham gia Tuyến du lịch “Nhịp sống Mekong” theo hành trình TP Hồ Chí Minh – Long An – Tiền Giang – Vĩnh Long – Cần Thơ – Hậu Giang – Sóc Trăng – Bạc Liêu – Cà Mau (06 ngày); Tuyến du lịch “Điểm hẹn vùng biên” theo hành trình TP Hồ Chí Minh – Long An – Đồng Tháp – An Giang – Kiên Giang (04 ngày).
Trong dịp lễ 30/4 và 01/5 vừa qua, có khoảng 35.000 lượt khách du lịch đến Long An, tăng 20% so với cùng kỳ, không có khách quốc tế. Công suất sử dụng phòng là 40%. Doanh thu du lịch dịp lễ 30/4 và 01/5 khoảng 18 tỉ đồng, tăng 20% so với cùng kỳ. Những con số này cho thấy một tín hiệu khả quan trong quá trình phục hồi và phát triển du lịch tỉnh Long An nói riêng và ngành du lịch nói chung.
Theo Tạp chí điện tử du lịch
Bạn đang đọc bài viết trên trang thông tin thebestvietnam.vn. Mọi thông tin đóng góp vui lòng gọi Hotline: 090 377 2086 hoặc gửi về địa chỉ email: thebestinvietnam@gmail.com.
Nếu Bạn cảm thấy bài viết mang lại giá trị hãy LIKE và SHARE nhé!