Suất đầu tư các công trình xanh không vượt quá 3% tổng mức đầu tư thông thường và chỉ sau 2-3 năm, chủ đầu tư có thể thu hồi vốn.
Để trở thành quốc gia phát thải ròng bằng 0 phải bắt đầu từ những “tế bào” nhỏ nhất
Tại Tuần lễ Công trình xanh Việt Nam 2022 vừa tổ chức tại TPHCM, Thứ trưởng Bộ Xây dựng Lê Quang Hùng cho rằng để trở thành quốc gia phát thải ròng bằng 0 thì phải bắt đầu từ những “tế bào” nhỏ nhất, đó là từ những viên gạch, mỗi toà nhà, mỗi hộ gia đình, mỗi doanh nghiệp, mỗi nhà máy… phải đạt tiêu chí phát thải ròng bằng 0.
Thực hiện các cam kết về giảm phát thải của Chính phủ, các lĩnh vực do Bộ Xây dựng chịu trách nhiệm phải giảm 74,3 triệu tấn CO2. Một trong những giải pháp mà Bộ Xây dựng đang tập trung thực hiện là thúc đẩy phát triển công trình xanh nhằm giảm tiêu thụ năng lượng, giảm phát thải khí nhà kính.
Nhưng đến nay Việt Nam chưa có một công trình xây dựng nào được thiết kế, xây dựng, quản lý vận hành đạt tiêu chí công trình phát thải ròng bằng 0. Với công trình công nghiệp, nhà máy, xí nghiệp hiện có duy nhất dự án nhà máy Lego của Đan Mạch đang triển khai xây dựng tại Bình Dương, nhà đầu tư cam kết sau khi hoàn thiện sẽ là nhà máy “net Zero”.
Thứ trưởng Lê Quang Hùng cho rằng, 27 năm tới, trong lộ trình thực hiện cam kết của Việt Nam chính là thời gian thích nghi, thay đổi và hành động cụ thể của từng cá nhân, tổ chức, doanh nghiệp để giảm phát thải khí nhà kính về 0 vào năm 2050.
Xem thêm >>> DIỄN ĐÀN HỢP TÁC, XÚC TIẾN THƯƠNG MẠI VIỆT NAM – ASEAN VÀ VINH DANH THƯƠNG HIỆU VÀNG ASEAN NĂM 2022 TẠI SINGAPORE
Khu vực công phải đóng vai trò dẫn dắt trong thực hiện xanh hóa các dự án, công trình
Theo các chuyên gia, áp lực suất đầu tư ban đầu vẫn là e ngại chính với các chủ đầu tư dự án khi tiếp cận công trình xanh.
Tuy nhiên, bà Đỗ Thị Ngọc Diệp, Quản lý Chương trình công trình xanh Việt Nam, Tổ chức tài chính quốc tế IFC cho biết, thực tế suất đầu tư các công trình xanh không vượt quá 3% tổng mức đầu tư thông thường và chỉ sau 2-3 năm, chủ đầu tư có thể thu hồi vốn.
Chuyên gia từ IFC cũng đưa ra lời khuyên, nếu các nhà đầu tư đang gặp khó khăn huy động vốn trong nước thì hoàn toàn có thể tìm đến nguồn vốn xanh nước ngoài.
Trước sự cam kết của Chính phủ Việt Nam tại hội nghị COP26, đặc biệt mục tiêu chuyển đổi sang nền kinh tế đạt mức phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050, nhiều tổ chức tài chính quốc tế cũng đã cam kết tài trợ vốn.
Giải pháp nào để thúc đẩy phát triển công trình xanh? Giới chuyên môn đều thống nhất việc đầu tiên cần hoàn thiện khung pháp lý liên quan đến tiết kiệm năng lượng và công trình xanh. Thậm chí có nhiều ý kiến cho rằng tiếp cận tiêu chí công trình xanh không chỉ dừng ở khuyến khích mà phải được pháp lý hóa để ràng buộc trách nhiệm của chủ đầu tư các dự án.
Ông Đào Xuân Lai, chuyên gia Chương trình Phát triển Liên Hợp Quốc tại Việt Nam nêu kiến nghị khu vực công phải đóng vai trò dẫn dắt trong thực hiện xanh hóa các dự án, công trình.
Thực tế, theo ông Nguyễn Công Thịnh, Phó Vụ trưởng Vụ Khoa học Công nghệ và Môi trường, Bộ Xây dựng, trong số 233 công trình xanh đã được chứng nhận thì chỉ có 5 công trình thuộc nhóm đầu tư công. Ngay với Bộ Xây dựng, đến năm 2022 mới có một công trình được chứng nhận tạm thời đạt tiêu chuẩn công trình xanh.
Xem thêm >>> SẮP DIỄN RA LỄ CÔNG BỐ THƯƠNG HIỆU VÀNG VIỆT NAM 2022 TẠI HÀ NỘI
Ông Thịnh cho rằng đang vướng ở quy định suất đầu tư, về định mức đơn giá cho các công trình đầu tư công và để tháo gỡ vấn đề này cần có sự vào cuộc của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Ngân hàng Nhà nước…
Bà Đỗ Thị Ngọc Diệp, chuyên gia từ IFC dẫn ra kinh nghiệm quốc tế thúc đẩy công trình xanh mà Việt Nam có thể tham khảo. Ví dụ như Argentina, Colombia khi miễn thuế VAT, trong khi Indonesia ưu tiên tăng tỉ lệ vay trên giá trị bất động sản, Banglades ưu đãi lãi suất cho các dự án xanh.
Theo Báo Chinhphu.vn
Bạn đang đọc bài viết trên trang thông tin Thebestvietnam.vn. Mọi thông tin đóng góp vui lòng gọi Hotline: 090 377 2086 hoặc gửi về địa chỉ email: thebestinvietnam@gmail.com.
Nếu Bạn cảm thấy bài viết mang lại giá trị hãy LIKE và SHARE nhé!