Để du lịch cộng đồng Cồn Sơn hấp dẫn du khách

Nằm ở địa phận khu vực 1, phường Bùi hữu Nghĩa, quận Bình Thủy, thành phố Cần Thơ, Cồn Sơn là dải đất được phù sa bồi đắp với diện tích 74,4ha, nổi lên giữa dòng sông Hậu, được ví như viên ngọc ngậm trong miệng rồng của làng cổ Long Tuyền. Tận dụng những thế mạnh sẵn có, Cồn Sơn đã tạo nên bản sắc mới cho Du lịch Cần Thơ với loại hình du lịch cộng đềng. Tuy nhiên, để Cồn Sơn thực sự trở thành điểm sáng của mô hình du lịch cộng đồng, hấp dẫn du khách trong và ngoài nước thì còn nhiều việc phải làm.

Làng cá bè với cá Koi độc đáo

Hoạt động du lịch tại Cồn Sơn

Nét đặc trưng du lịch tại Cồn Sơn dựa trên tài nguyên bản địa: vườn cây trĩu quả, đờn ca tài tử, các món ăn miệt vườn do mỗi nhà chế biến một món, tạo thành mâm cơm cộng đồng đặc sắc. Người dân Cồn Sơn trực tiếp cung cấp hàng hóa và dịch vụ cho du khách, tìm kiếm lợi nhuận từ du lịch thông qua việc bán các sản phẩm và dịch vụ, cung cấp những trải nghiệm mang đậm chất đồng quê vùng đồng bằng sông Cửu Long đến khách du lịch. Nhờ phát triển du lịch, người dân đã được trang bị thêm kiến thức, đời sống được nâng cao, đảm bảo an sinh xã hội, hoạt động du lịch tại Cồn Sơn đã góp phần đa dạng hóa sản phẩm du lịch Cần Thơ…

Do hoạt động du lịch cộng đồng Cồn Sơn hiện nay dựa trên nguyên tắc tự nguyện giữa các hộ gia đình nên việc phân chia trách nhiệm, cung cấp sản phẩm cũng như phối hợp để tạo thành chuỗi các sản phẩm du lịch vẫn còn khá lỏng, sản phẩm còn đơn điệu dễ khiến du khách nhàm chán. Kết quả khảo sát của Trường Đại học Cần Thơ năm 2019 cho thấy, chỉ có 10% khách đến Cồn Sơn thông qua các công ty lữ hành, 90% là du lịch tự túc. Sự thiếu liên kết giữa các điểm du lịch khiến các loại hình hoạt động dành cho du khách na ná nhau: vườn trái cây, ao cá, đờn ca tài tử…, chưa phát huy được giá trị văn hóa của địa phương và ít khác biệt để tạo thành điểm nhấn thu hút khách.

Cồn Sơn hiện nay chưa có cơ sở lưu trú nên mức chi tiêu của khách chưa cao. Hệ thống hạ tầng giao thông như các tuyến kè, đường lộ, cầu tàu, cấp thoát nước, bến bãi, tàu du lịch đón khách chưa đạt tiêu chuẩn. Nhà vệ sinh tại các điểm du lịch còn đơn sơ, thiếu các công trình cung cấp nước sạch chưa có hệ thống xử lý rác thải đạt chuẩn… Tại Cồn Sơn hiện có 3 cơ sở bán hàng lưu niệm với quy mô nhỏ tại bến tàu, các sản phẩm chủ yếu là đồ thủ công truyền thống, tuy nhiên gian hàng trang trí chưa thu hút và sản phẩm không đủ sức thuyết phục để du khách mua.

Khung cảnh miệt vườn thơ mộng ở Cồn Sơn

Giải pháp phát triển du lịch cộng đồng tại Cồn Sơn

Chính quyền các cấp hỗ trợ nâng cấp cơ sở hạ tầng tại Cồn Sơn phục vụ du lịch: mở rộng đường đi cho du khách trải nghiệm đạp xe; nâng cấp bến tàu đạt chuẩn an toàn; vận động người dân xây dựng các cơ sở lưu trú cho khách, khảo sát lựa chọn một số hộ dân có điều kiện dựa trên nhu cầu tự nguyện để cải tạo, nâng cấp nhà ở của gia đình thành các điểm du lịch homestay; xây dựng các khu vui chơi giải trí phù hợp với đặc điểm văn hóa, xã hội, đời sống của người dân Cồn Sơn.

Cập nhật đầy đủ những thông tin, hình ảnh đẹp và hoạt động thú vị tại Cồn Sơn để thu hút khách du lịch; chú trọng sử dụng mạng xã hội, diễn đàn riêng facebook của Cồn Sơn kết nối khách du lịch để chia sẻ thông tin quảng bá.

Cải tạo vườn trái cây thành khu vực cảnh quan sạch đẹp, trang trí thêm các tiểu cảnh tại vườn cho du khách chụp ảnh; thiết kế những khu vực có diện tích rộng, có khoảng trống để khách có thể cắm trại, tổ chức tiệc BBQ ngoài trời; tổ chức các sự kiện mang tính chất lễ hội tái hiện văn hóa đặc trưng miền sông nước Nam Bộ thu hút khách…

Sáng tạo thêm các loại đặc sản được chế biến từ nông sản có sẵn tại vườn như rượu sake, rượu ổi, ổi chiên giòn…, đóng gói và bảo quản trong bao bì đẹp, chất lượng, có ghi rõ xuất xứ, thời gian sản xuất và truy xuất nguồn gốc rõ ràng; nâng cấp và thiết kế lại các khu vực quầy làm bánh dân gian, trải nghiệm làm cốm, đổ bánh khọt… cũng như bố trí sẵn trang phục địa phương để du khách có thể thuê và chụp ảnh check in.

Tổ chức đào tạo nguồn nhân lực phục vụ tại chỗ về kỹ năng phục vụ, kỹ năng giao tiếp, các khóa tập huấn về vệ sinh an toàn thực phẩm, giao tiếp với khách và kỹ năng nghề du lịch cho người dân…; thường xuyên kiểm tra chất lượng đội ngũ lao động du lịch đáp ứng các tiêu chuẩn nghiệp vụ đáp ứng nhu cầu ngày càng đa dạng của du khách.Cồn Sơn hội tụ đủ tiềm năng để đưa du lịch cộng đồng trở thành loại hình du lịch hấp dẫn du khách.

Xem thêm >>> Quảng bá du lịch Việt thông qua chương trình truyền hình thực tế Điểm Hẹn Du Lịch HTVC

Tuy nhiên, cần tổ chức quy hoạch để Cồn Sơn thực sự trở thành mô hình du lịch cộng đồng nổi bật trong khu vực. Trong đó, công tác đào tạo, quảng bá, đa dạng hóa và nâng cao chất lượng sản phẩm, dịch vụ là những nhiệm vụ then chốt. Đồng thời thu hút đầu tư, huy động vốn cho cải thiện cơ sở hạ tầng, cơ sở vật chất kỹ thuật, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực và quản lý du lịch cộng đồng để thu hút du khách, góp phần phát triển kinh tế – xã hội của Cồn Sơn nói riêng và Cần Thơ nói chung.

Đa dạng các loại bánh dân gian

Theo Tạp chí điện tử Du lịch