Ghé thăm Tân Sơn, Phú Thọ, du khách sẽ được hòa mình vào với cảnh thiên nhiên, núi rừng nơi có đồi chè Long Cốc tuyệt đẹp, xanh mướt, Vườn Quốc gia Xuân Sơn – nơi có không gian thiên nhiên trong lành, được mẹ thiên nhiên ưu ái ban tặng cho sự đa dạng về sinh thái, địa hình với cảnh quan thiên nhiên tuyệt đẹp, được dịp hòa mình vào không khí sôi động với những làn điệu dân ca, những câu hát thể hiện sự hồn nhiên trong sáng của những chàng trai, cô gái Mường… Tuy nhiên, sẽ là thiếu sót nếu du khách không một lần thưởng thức mâm cỗ lá – một cách thức thể hiện độc đáo ẩm thực truyền thống của dân tộc Mường.
Cỗ lá hiểu giản đơn là mâm cỗ bày trên lá. Lá dùng để xếp cỗ là lá chuối rừng, loại bánh tẻ, được hơ lửa cho dẻo và có mùi thơm ngai ngái đặc trưng. Đây là nét văn hóa ẩm thực sơ khai của người Mường và cho đến nay vẫn còn được lưu giữ trong những dịp lễ, tết, cưới xin hay ma chay… Món ăn của đồng bào Mường, Tân Sơn thường được chế biến từ những nguyên liệu trong rừng, qua đôi bàn tay khéo léo của người dân trở thành đặc sản mang hương vị đặc trưng của núi rừng.
Nguyên liệu chính cho mâm cỗ có thể là gà, lợn hay bò, trâu nhưng phổ biến nhất vẫn là lợn Mán – một loại lợn lửng thường chỉ nặng 15 – 30kg, được bà con Mường nuôi thả trên đồi núi, quanh năm chỉ biết ăn ngô, khoai, cây cỏ nên cho thịt săn chắc, ít mỡ, có vị thơm ngọt tự nhiên… Một loại gà đặc biệt bước ra từ truyền thuyết, đó là gà nhiều cựa, được người Mường nuôi theo hình thức bán hoang dã, nên gà ăn rất ngon, chắc thịt. Bên cạnh thịt lợn, gà, một món ăn không thể thiếu trong mâm cỗ lá đó là cá suối nướng, cá được người dân bắt ngoài những con suối tự nhiên, về nướng trên bếp than vàng ruộm.
Xen lẫn các món thịt là món măng luộc, món rau rừng đồ, rau rớn nộm hoặc xào và các loại rau sống. “Cỗ lá” cũng không thể thiếu xôi, xôi trắng để tượng trưng cho tinh hoa của đất và rừng. Xôi nếp gạo nương được đồ chín tới, gói vuông vức trong tàu lá chuối đã hơ lửa cho mềm. Xôi vừa thơm, vừa dẻo. Nếu vào những ngày lễ hội lớn, đồng bào Mường thường đồ xôi ngũ sắc với năm màu xanh – đỏ – tím – vàng – trắng thật đẹp mắt. Mỗi mâm cỗ còn được xếp với một đĩa hoa chuối xào, một hoặc hai bát canh loóng chuối – là canh được nấu bằng cây chuối rừng non, thái mỏng, nấu với nước luộc lòng. Canh có vị ngọt đậm đà là món canh đặc trưng và không thể thiếu trong mâm cỗ.
Xem thêm >>> Cần Thơ phát huy giá trị ẩm thực dân gian Nam Bộ để thu hút du khách
Cuối cùng là gia vị muối hạt dổi, đó là muối sau khi rang hoặc nướng lên, trộn với hạt dổi, loại hạt có màu đen, mùi rất thơm, sau khi đã được nướng trên than hồng và giã nát. Muối hạt dổi làm cho cỗ lá thêm hương vị, thêm đậm đà là một phần không thể thiếu trong mâm cỗ của người Mường.
Mâm cỗ lá xứ Mường – Tân Sơn là một nét đẹp văn hóa tiêu biểu và độc đáo của dân tộc Mường. Qua mâm cỗ, người Mường đã thể hiện cách linh hoạt tính cộng đồng, tình cảm tương thân tương ái, nền nếp gia đình… là những yếu tố giúp cộng đồng tồn tại và phát triển.
Cỗ lá vẫn luôn tồn tại hàng ngày trong các bản làng của người Mường – Tân Sơn. Thưởng thức cỗ lá, không phải chỉ để cảm nhận hương vị đặc biệt của các món ăn chấm với muối hạt dổi mà ta còn cảm nhận được tình cảm mộc mạc, chân thành của con người thông qua cách bày cỗ; cảm nhận được lễ giáo, văn hóa, phép tắc thông qua cách bày biện, trân trọng thức ăn trên mâm cỗ.
Nếu có dịp đến với Tân Sơn, du khách có cơ hội trải nghiệm du lịch đồi chè Long Cốc, Vườn Quốc gia Xuân Sơn và thưởng thức mâm cỗ lá với những món ngon dân dã đậm đà bản sắc dân tộc Mường, du khách sẽ cảm nhận được hết ý nghĩa và vẻ đẹp dung dị của mâm cỗ Mường trong cuộc sống người Mường, đã tạo nên nét độc đáo khám phá ẩm thực văn hóa bản địa, cùng với không gian thiên nhiên núi rừng hùng vĩ, người dân bản địa mộc mạc, thân thiện sẽ thực sự làm hài lòng du khách đặt chân đến nơi đây./.
(Theo Tạp chí Du lịch)
Bạn đang đọc bài viết trên trang thông tin thebestvietnam.vn. Mọi thông tin đóng góp vui lòng gọi Hotline: 090 377 2086 hoặc gửi về địa chỉ email: thebestinvietnam@gmail.com.
Nếu Bạn cảm thấy bài viết mang lại giá trị hãy LIKE và SHARE nhé!