Không chỉ được biết đến với Quần thể danh thắng Tràng An đã được UNESCO vinh danh là Di sản văn hóa và thiên nhiên thế giới, Ninh Bình còn nổi tiếng bởi khung cảnh sơn thủy hữu tình của vùng đất cố đô xưa gắn với nhiều di tích lịch sử, văn hóa nổi bật.
Chùa Bái Đính
Chùa Bái Đính là một trong những ngôi chùa nổi tiếng nhất ở Việt Nam với nhiều kỷ lục được xác lập như ngôi chùa có tượng Phật bằng đồng lớn nhất châu Á, chùa có tượng Di Lặc bằng đồng lớn nhất châu Á…
Chùa nằm cách trung tâm thành phố Hà Nội khoảng 95km về phía Nam với nhiều hạng mục để du khách tham quan và khám phá.
Chùa Non Nước
Chùa Non Nước ở Ninh Bình là một ngôi chùa cổ và cũng là di tích lịch sử quốc gia. Chùa tọa lạc dưới chân núi Non Nước, bên bờ sông Đáy và cửa sông Vân. Chùa được xây dựng trên núi, bởi vậy khi đến nơi đây, du khách sẽ có cơ hội chiêm ngưỡng cảnh sắc thanh bình, yên ả của làng quê… từ trên cao.
Đền vua Đinh Tiên Hoàng
Đền Vua Đinh Tiên Hoàng nằm ở xã Trường Yên, Hoa Lư, Ninh Bình, thuộc trung tâm thành Đông của kinh đô Hoa Lư xưa. Đây là nơi duy nhất ở Việt Nam thờ đồng thời Vua Đinh Tiên Hoàng, cha mẹ ông cùng các con trai và có bài vị thờ các tướng triều Đinh. Đền Vua Đinh cùng với đền Vua Lê được xếp hạng “Top 100 công trình 100 tuổi nổi tiếng ở Việt Nam”.
Xem thêm >>> Phủ Tía – Điểm đến du lịch văn hóa tâm linh
Đền vua Lê Đại Hành
Đền Vua Lê Đại Hành là một di tích lịch sử văn hóa quốc gia thuộc khu di tích đặc biệt cố đô Hoa Lư tỉnh Ninh Bình. Đền thờ Vua Lê Đại Hành, thái hậu Dương Vân Nga, Lê Long Đĩnh, ngoài ra còn có bài vị thờ công chúa Lê Thị Phất Ngân và tướng Phạm Cự Lượng.
Đền nằm cách đền vua Đinh Tiên Hoàng 300m, thuộc thành Đông kinh đô Hoa Lư xưa, nay là làng cổ Yên Thành, xã Trường Yên, Ninh Bình.
Đền thờ Trương Hán Siêu
Đền thờ Trương Hán Siêu nằm ở chân núi Non Nước thuộc công viên Dục Thúy Sơn, nằm bên sông Đáy ở thành phố Ninh Bình. Đền thờ Trương Hán Siêu và núi Non Nước hợp lại tạo thành một khu văn hóa, tâm linh giữa thành phố Ninh Bình.
Phủ Khống
Phủ Khống là di tích thờ vị quan đầu triều của nhà Đinh (không rõ tên húy), hiệu vị là Đinh Công tiết chế. Theo truyền thuyết, khi Vua Đinh và con trai trưởng là Đinh Liễn bị sát hại, Đinh Toàn lên ngôi Hoàng đế khi mới 6 tuổi. Trước nguy cơ xâm lược của nhà Tống, Thái hậu Dương Vân Nga đã trao áo long bào cho Thập Đạo Tướng quân Lê Hoàn, Lê Hoàn lên ngôi Hoàng đế.
Một số vị quan triều Đinh không khuất phục, đem quân chống lại Lê Hoàn. Đinh Công tiết chế bị giam lỏng (khống chế) ở khu vực này (Phủ Khống ngày nay). Khi nghe tin các cánh quân chống lại Lê Hoàn đều bị thất bại, các viên quan bị bắt và bị sát hại, Đinh Công tiết chế đã tuẫn tiết. Nhân dân đã lập đền thờ ngài trên vị trí ngài bị giam lỏng.
Đền Thung Lá
Đền Quốc mẫu Thung Lá nằm ngay cạnh Thung Lau lọt giữa thành núi cao ngất. Tương truyền xưa kia có một nữ Vương bói lá rất giỏi, thường xem lá cho Vua Đinh Tiên Hoàng trước khi xuất quân hay làm một việc gì đó. Nơi này cũng có nhiều cây thuốc chữa bnh tốt nên khi nghĩa quân Vua Đinh bị thương đều được đưa về đây chữa trị.
Thung Lá là vùng rừng thiêng nên mọi người thường vào đây thắp hương trước khi đi rừng. Thung Lá có đền thờ Mẫu hậu của Vua Đinh và thờ Vương Bà bí ẩn đã có nhiều công lao giúp Vua Đinh dẹp loạn.
Đền Thái Vi
Đền Thái Vi ở thôn Văn Lâm, xã Ninh Hải, huyện Hoa Lư thờ vua Trần Thái Tông, Trần Thánh Tông, Hiển Từ Hoàng thái hậu và thờ phụ vua Trần Nhân Tông, Trần Anh Tông. Tương truyền đền Thái Vi được xây dựng trên nền cung điện của hành cung Vũ Lâm của các vua Trần.
Cứ 3 năm một lần vào các năm Tí, Ngọ, Mão, Dậu, đền Thái Vi tổ chức lễ hội trong 3 ngày 14, 15, 16 tháng 3 (Âm lịch). Nhân dân địa phương quan niệm rằng sau khi chiến thắng giặc Nguyên Mông, ngày 15 tháng 3 (Âm lịch) là ngày vua tôi nhà Trần về Thiên Trường (Nam Định) bái yết tổ tiên, ăn mừng chiến thắng.
Chùa Bích Động
Chùa Bích Động là một ngôi chùa cổ gắn với núi đá mang đậm phong cách Á Đông cách bến Tam Cốc khoảng 2km. Theo sử sách, văn bia và các cụ già trong làng thì trước đây chùa và động có tên chung là: Bích Sơn (Núi Xanh). Năm 1773, trong chuyến đi tuần miền Sơn Nam cùng Chúa Trịnh Sâm, Tể tướng Nguyễn Nghiễm – thân phụ của Đại Thi hào Nguyễn Du đã đặt tên cho động.
Vì phong cảnh động quá đẹp và nguy nga nên được phong là “Nam Thiên Đệ Nhị Động đứng sau “Nam Thiên Đệ Nhất Động” do Chúa Trịnh Sâm phong tặng…
Có thể nói, phong cảnh của khu đệ nhất danh thắng của tỉnh Ninh Bình này là sự kết hợp hài hòa giữa cảnh đẹp kỳ thú của hang động, của núi non hiểm trở, của sông, suối thơ mộng với sự tài hoa của con người tạo thành một khối thống nhất, không thể tách rời.
Xem thêm >>> “No bụng, đã mắt” với thiên đường ăn vặt Phú Quốc
Chùa, động Thiên Tôn
Là một trong bốn ngôi đền linh thiêng bậc nhất ở vùng đất cố đô Hoa Lư, có lịch sử gắn bó ngàn năm với kinh thành Hoa Lư xưa, tạo nên một không gian văn hóa tín ngưỡng đặc trưng của vùng đất sinh Vua, sinh Thánh, sinh Thần và nằm trong không gian văn hóa Hoa Lư tứ trấn.
Chùa, động Thiên Tôn nằm quay về hướng Nam, đây là một trong bốn công trình được xây dựng nhằm trấn giữ bốn phương huyết mạch trên mảnh đất cố đô Hoa Lư. Đó là: đền Thần Thiên Tôn ở phía Đông, đền Thần Cao Sơn ở phía Tây, đền Đức Thánh Nguyễn ở phía Bắc và đền Thần Quý Minh ở phía Nam.
Chùa, động Thiên Tôn thuộc khu vực núi Dũng Đương, thị trấn Thiên Tôn, Hoa Lư, cách thành phố Ninh Bình 7km về phía Bắc. “Dũng Đương sơn” hay “Vũ Đương sơn” có nghĩa là núi chắn dòng nước mạnh từ trên chảy xuống. Ba chữ “Dũng Đương sơn” cũng được viết dưới cổng vào trong động thờ thánh Trấn Vũ Thiên Tôn. Trấn Vũ Thiên Tôn hay Chân Vũ Đế Quân chính là Huyền Thiên Thượng đế Kim Thuyết hóa thân, với vai trò tổng chỉ huy thiên binh, thiên tướng, được cử xuống trần để trừ yêu, dẹp loạn.
(Theo Tạp chí Du lịch)
Bạn đang đọc bài viết trên trang thông tin Thebestvietnam.vn. Mọi thông tin đóng góp vui lòng gọi Hotline: 090 377 2086 hoặc gửi về địa chỉ email: thebestinvietnam@gmail.com.
Nếu Bạn cảm thấy bài viết mang lại giá trị hãy LIKE và SHARE nhé!