Du lịch thân thiện với môi trường

Du lịch xanh là xu hướng du lịch tất yếu, bởi nó đề cao ý thức của con người trong việc tôn trọng tự nhiên, giữ gìn bản sắc văn hóa, bảo vệ môi trường sinh thái và khôi phục đa dạng sinh học.

Năm Du lịch quốc gia 2022 đã được bắt đầu với hàng loạt hoạt động sôi động ở các tỉnh, thành: Quảng Nam, Đà Nẵng, Hà Nội và nhiều địa phương khác trên cả nước, trong đó có việc đón những chuyến bay quốc tế, đánh dấu du lịch đang hồi sinh sau 2 năm ảnh hưởng đại dịch COVID-19.

“Du lịch xanh” là yêu cầu cấp bách

Chủ đề của Năm Du lịch quốc gia 2022 là “Du lịch xanh”, nghĩa là tất cả các hoạt động đều hướng tới bảo vệ môi trường sinh thái; phát huy các giá trị di sản văn hóa, thiên nhiên; ưu tiên sử dụng các sản phẩm tái chế; hạn chế tối đa phát thải ra môi trường; bảo đảm an toàn cho du khách và cộng đồng dân cư…

Thực ra, “du lịch xanh” không phải là một khái niệm mới, mà đã được manh nha từ những năm 1970, khi con người thể hiện ý thức mạnh mẽ về tự nhiên thông qua các phong trào bảo vệ môi trường.

Khoảng 20 năm nay, nhất là khi biến đổi khí hậu diễn ra ngày càng mạnh mẽ, kéo theo thảm họa tự nhiên như động đất, sóng thần, cháy rừng, bão lũ, lở đất, núi lửa phun trào…, “du lịch xanh” trở thành yêu cầu cấp bách, thu hút sự quan tâm của nhiều quốc gia và tổ chức quốc tế.

Du khách thoải mái đạp xe tham quan cánh đồng lúa ở Hội An (ảnh chụp vào chiều 22/3). Ảnh: Đức Hoàng

TS. Nguyễn Anh Tuấn, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Phát triển Du lịch, cho rằng “du lịch xanh” theo nghĩa hẹp là một dạng hoạt động du lịch gần gũi thiên nhiên, thân thiện môi trường, có tính đến yếu tố bảo vệ tài nguyên và môi trường sinh thái.

Theo nghĩa rộng, “du lịch xanh” là du lịch theo hướng bền vững đáp ứng đồng thời 3 mục tiêu: (1) Tăng trưởng du lịch nhanh, ổn định, bảo đảm chất lượng, hiệu quả; (2) bảo vệ tài nguyên, môi trường sinh thái, thích ứng với biến đổi khí hậu; (3) giải quyết tốt các vấn đề xã hội, bảo đảm hài hòa lợi ích của các chủ thể tham gia hoạt động du lịch.

Xem thêm >>> Khai trương Làng du lịch cộng đồng Cẩm Phú, Quảng Nam

Hiểu theo nghĩa nào đi nữa, tựu trung lại, “du lịch xanh” là “môi trường du lịch mà ở đó có sự thân thiện, an toàn giữa người dân và du khách; là sự cam kết của tất cả các bên liên quan, bao gồm Nhà nước, doanh nghiệp và người dân, khai thác du lịch nhưng không ảnh hưởng tiêu cực đến tài nguyên, môi trường”, như Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã đề cập trong bài phát biểu khai mạc Năm Du lịch quốc gia 2022 ở TP Hội An (tỉnh Quảng Nam) tối 26/3 vừa qua.

Như vậy, xây dựng môi trường du lịch xanh cũng chính là góp phần thực hiện cam kết của Việt Nam tại Hội nghị lần thứ 26 các bên tham gia Công ước khung của Liên Hợp Quốc về biến đổi khí hậu (COP26) diễn ra ở Glasgov, Scotland (Vương quốc Anh) hồi tháng 11/2021: Đạt mức phát thải ròng bằng “0” vào năm 2050″.

Nhìn ra thế giới

Tại Hội thảo “Quảng Nam phát triển du lịch xanh – Gìn giữ giá trị bản địa” ở TP Hội An (tỉnh Quảng Nam) sáng 26/3, câu chuyện về quốc đảo Maldives làm du lịch mà TS. Nguyễn Anh Tuấn, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Phát triển Du lịch, nêu đã thu hút sự chú ý của các đại biểu.

Maldives có khoảng 1.192 đảo nhỏ, dân số chưa đầy 500.000 người. Du lịch là ngành kinh tế lớn nhất và là ngành mang lại nguồn thu ngoại tệ lớn nhất với hơn 60% trao đổi ngoại hối, đóng góp khoảng 23,9% vào GDP của Maldives. Hơn 90% thuế là từ các khoản thuế nhập khẩu và du lịch.

Đáng chú ý, Maldives đã có chính sách đầu tư, phát triển du lịch bài bản, khoa học, hướng đến phát triển bền vững, đặc biệt là chính sách phát triển du lịch theo hướng tăng trưởng xanh gắn với gìn giữ, bảo vệ tài nguyên thiên nhiên, môi trường và bảo tồn sinh vật biển.

Maldives đã nỗ lực thay thế nguồn cung cấp năng lượng điện hóa thạch bằng các nguồn năng lượng tái tạo như năng lượng gió và mặt trời, với mục tiêu giảm lượng khí thải carbon và chi phí phát điện. Vì các đảo đều xa đất liền, thiếu nguồn nước ngọt, nên Maldives có chiến lược kết hợp hệ thống tái tạo năng lượng và nguồn nước.

Xem thêm >>> Saigontourist đặt mục tiêu đón 988.000 lượt khách năm 2022

Dự kiến đến năm 2030, Maldives sẽ thay thế hoàn toàn các nguồn năng lượng hóa thạch bằng năng lượng tái tạo và trở thành quốc gia đầu tiên trên thế giới có lượng carbon trung tính.

Hiện nay, hầu hết khu nghỉ dưỡng trên các đảo của Maldives đều sử dụng hệ thống lọc nước biển thành nước ngọt và hệ thống hứng, thu gom nước mưa, đáp ứng tốt nhu cầu sử dụng nước ngọt trong ngành du lịch. Bộ Du lịch Maldives cấp chứng nhận nhãn Travelife Gold cho các khu nghỉ dưỡng đảm bảo có hệ thống xử lý nước thải…

Hay ở Philippines, Chính phủ quốc gia Đông Nam Á này đã chỉ đạo khắc phục, tái thiết đảo Boracay – đảo nhiệt đới có diện tích hơn 10km2 – phát triển du lịch theo hướng xanh và bền vững sau bài học thất bại của việc phát triển du lịch đại trà theo tư duy “ăn xổi”, thiếu bền vững, không tôn trọng và bảo vệ tự nhiên, coi nhẹ bảo vệ môi trường…

Du khách quốc tế rất thích thú khi trải nghiệm phong cảnh làng quê Việt Nam. Trong ảnh đoàn khách quốc tế tham quan Làng rau Trà Quế (Hội An, Quảng Nam) trước khi dịch Covid-19 xảy ra. Ảnh: Đức Hoàng

Cần “3 nhà” đồng hành

Ở Việt Nam, 2 năm ngành du lịch gặp khủng hoảng do COVID-19 cùng với cam kết tại COP26 là dịp để nhìn nhận lại chặng đường đã qua và tạo hướng đi bền vững. Trong đó, tỉnh Quảng Nam – vùng đất có nhiều tiềm năng phát triển du lịch, nhất là du lịch xanh – là địa phương đầu tiên trong cả nước ban hành Bộ tiêu chí du lịch xanh, thể hiện quyết tâm chính trị mạnh mẽ cùng chung sức đồng lòng với người dân, cộng đồng doanh nghiệp tạo lập môi trường du lịch mới mẻ, thân thiện, an toàn và có trách nhiệm.

Quảng Nam đặt mục tiêu sớm trở thành trung tâm du lịch xanh của cả nước. Theo đó, tất cả không gian du lịch, sản phẩm du lịch đều hướng đến du lịch xanh: Xanh về môi trường, xanh về cảnh quan sinh thái, xanh trong ứng xử giữa con người với tự nhiên, giữa con người với nhau.

Tuy nhiên, để thực hiện được như thế là điều không dễ, đòi hỏi rất nhiều yếu tố như sự chung tay của doanh nghiệp du lịch trong chiến lược kinh doanh, giải pháp quản trị, của người dân và cả du khách.

Giám đốc Sở VHTTDL tỉnh Quảng Nam Nguyễn Thanh Hồng hoàn toàn có lý khi cho rằng, để phát triển thành công ngành du lịch, cần “3 nhà” đồng hành. Thứ nhất là nhà nước đóng vai trò là “bà đỡ” – ban hành cơ chế, chính sách để mời gọi và tạo điều kiện cho du lịch phát triển.

Thứ hai là nhà đầu tư – biến những ý tưởng, những cơ chế chính sách thành những sản phẩm.

Thứ ba là cộng đồng nhân dân cùng tham gia trực tiếp làm du lịch, chia sẻ những giá trị bản địa và chia sẻ những lợi ích từ du lịch.

Xem thêm >>> Đến Cảnh Dương ngắm đường tranh bích họa

Với những nỗ lực của ngành du lịch trong việc “giương những cánh buồm để vận hành phù hợp với quy luật phát triển chung”, theo tinh thần Nghị quyết số 08-NQ/TW của Bộ Chính trị về phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, du lịch Việt Nam rồi sẽ thực sự hồi sinh. Việt Nam sẽ tiếp tục trở thành điểm đến hấp dẫn, an toàn, văn minh, thân thiện. Sẽ có thêm nhiều hơn nữa du khách đến du lịch, trải nghiệm, kinh doanh và làm ăn lâu dài ở Việt Nam và cả những khách đã đi rồi trở lại nhiều hơn…

(Theo Cổng Thông tin điện tử Bộ VHTTDL)