Việt Nam đã chính thức mở cửa lại du lịch với sự tự tin về quá trình phục hồi mạnh mẽ trong thời gian sắp tới.
* Kỳ vọng lớn và quyết tâm cao để mở cửa du lịch
Cùng với các bộ, ngành, các địa phương và đặc biệt là ngành du lịch, ngành hàng không đã sẵn sàng mọi điều kiện cần thiết trong việc đón đầu nhu cầu du lịch quốc tế.
Chuẩn bị kỹ để mở cửa chắc chắn
Hàng không Việt Nam – cánh tay nối dài tới thị trường du lịch quốc tế trong suốt thời gian qua cũng đã chuẩn bị cho lộ trình phục vụ du khách đến với Việt Nam.
Ông Bùi Doãn Nề – Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp hàng không cho biết, giao thông luôn là ngành đi trước và hàng không là ngành đòi hỏi công nghệ cao, đầu tư lớn đã sẵn sàng cho việc mở cửa du lịch của Việt Nam.
Từ ngày 15/2/2022, hàng không Việt Nam bắt đầu mở lại toàn bộ đường bay thường lệ quốc tế đến các nước sau gần 2 năm đóng cửa. Các doanh nghiệp hàng không đã chuẩn bị kỹ lưỡng từ cơ sở hạ tầng đến dịch vụ kĩ thuật, các giải pháp chặt chẽ trong bảo đảm phòng, chống dịch bệnh.
Theo ông Bùi Doãn Nề, ngay khi kết thúc đợt dịch lần thứ 2, các doanh nghiệp hàng không đã bàn tới việc chuẩn bị phương án khi dịch bệnh có thể tiếp tục và đưa ra các giải pháp, kịch bản đón đầu, bảo đảm sẵn sàng nguồn lực để khơi thông lại thị trường.
Cùng với các bộ, ngành, các địa phương và đặc biệt là ngành du lịch, ngành hàng không đã sẵn sàng mọi điều kiện cần thiết trong việc đón đầu nhu cầu du lịch quốc tế.
Việc Việt Nam từng bước kiểm soát dịch bệnh và phát triển kinh tế, đồng thời các chính sách đưa ra rất kịp thời đã hỗ trợ các doanh nghiệp trong lúc khó khăn. Doanh nghiệp cũng bắt đầu có đủ sức để phục hồi nhanh, trong đó có ngành hàng không.
Tuy nhiên, ông Bùi Doãn Nề cũng nhấn mạnh đến những thách thức khi mở cửa lại du lịch đó là việc bảo đảm các kết nối, xúc tiến lại các thị trường sẽ phát sinh các chi phí. Trong đó có chi phí về xúc tiến thương mại, tâm lý lo ngại dịch bệnh của du khách, giá dầu leo thang trong khi có 30%-40% chi phí giao thông liên quan đến xăng dầu. Do đó, chúng ta cần có các giải pháp làm sao vừa giảm chi phí vừa thu hút được khách du lịch.
Xem thêm >>> Phát triển du lịch theo hướng chuyên nghiệp, hiện đại, văn minh, chất lượng, hiệu quả
“Hàng không và du lịch là những ngành rất quan trọng, đóng góp lớn vào nền kinh tế nên rất cần có những chính sách hỗ trợ, như các gói tín dụng kích cầu để bảo đảm cơ sở hạ tầng, gỡ khó cho doanh nghiệp và giúp người lao động ổn định tâm lý làm việc”, ông Bùi Doãn Nề trao đổi.
Bên cạnh đó, Chính phủ cần tập trung đầu tư cho cơ sở hạ tầng các cảng hàng không bởi mở cửa du lịch nhu cầu đi lại sẽ tăng nhanh; đẩy mạnh kết nối giao thông hàng không với đường bộ.
Bà Phạm Thị Nguyệt, Trưởng ban Tiếp thị sản phẩm Vietnam Airlines cũng cho rằng ngoài các chính sách nới lỏng về thị thực, Chính phủ quan tâm đến công tác truyền thông, quảng bá để nâng cao thương hiệu quốc gia, nhất là cần có sự hiện diện của Văn phòng thuộc Tổng cục Du lịch đặt tại một số thị trường trọng điểm.
Với vai trò là hãng hàng không quốc gia, Vietnam Airlines cam kết đồng hành cùng các địa phương, doanh nghiệp, các đại sứ quán Việt Nam tại nước ngoài trong việc đón đầu nhu cầu du lịch quốc tế.
“Khảo sát của Vietnam Airlines cho thấy du lịch không thể ngày một, ngày hai là có thể khởi động ngay được. Cần phải căn cứ vào đặc tính thị trường và chính sách của các quốc gia khác. Đối với khu vực đường dài cần từ 3 đến 6 tháng, đối với khu vực đường ngắn cần từ 1 đến 3 tháng”, Bà Phạm Thị Nguyệt chia sẻ.
Vietnam Airlines xác định kể cả lượng khách chưa khôi phục bình thường trở lại thì hãng đã tiến hành khôi phục lại 60% đường bay quốc tế, 80% các chuyến bay so với năm 2019. Không chỉ bay tới thị trường Mỹ, Vietnam Airlines còn cam kết thực hiện 4 chuyến/tuần giữa Mỹ và Việt Nam.
Vietnam Airlines đã công bố mở thêm đường bay mới từ Singapore đến Đà Nẵng, Phú Quốc, Nha Trang, đang nghiên cứu mở đường bay tới New Delhi (Ấn Độ); an hành chính sách cho tất cả các khách quốc tế đến Việt Nam được đổi vé linh hoạt.
Bà Phạm Thị Nguyệt thông tin, trong suốt năm 2021 vừa qua, Vietnam Airline đã liên tục có các hợp tác chiến lược, các đối tác ở các địa phương để tạo ra các sản phẩm luồng xanh, an toàn bền vững, qua đó giúp có được hệ sinh thái đồng bộ, toàn diện nhằm tăng sức hút của Việt Nam.
“Với 35 đại diện tại các quốc gia và lãnh thổ trên thế giới, Vietnam Airline sẽ là cánh tay nối dài, đồng hành cùng Bộ Ngoại giao, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Tổng cục Du lịch để có thể triển khai ngay các cuộc gặp gỡ khách hàng, các hội thảo xúc tiến quảng bá du lịch, đồng hành cùng với các chính sách của Chính phủ trong việc đưa chính sách tới sát các đối tác tại thị trường nước ngoài”, bà Phạm Thị Nguyệt nói.
Xem thêm >>> Quảng bá du lịch Việt thông qua chương trình truyền hình thực tế Điểm Hẹn Du Lịch HTVC
Cần có hướng dẫn toàn diện, nhất quán và ổn định
Tuy nhiên, theo bà Nguyệt trong quá trình triển khai vẫn còn một số vướng mắc và băn khoăn từ các đối tác. Vì vậy cần sớm có văn bản hướng dẫn mở cửa du lịch toàn diện, nhất quán và ổn định.
Cùng chung quan điểm này ông Nguyễn Mạnh Quân – Phó Tổng Giám đốc Thường trực Bamboo Airway cho rằng, nên có một chính sách và quy định thống nhất cho khách du lịch. Thông điệp đưa ra với du khách quốc tế cần nhấn mạnh đến các yếu tố: Sản phẩm an toàn, điểm đến an toàn; chất lượng cạnh tranh; giá cả cạnh tranh.
“Chỉ là một Việt Nam, chứ không phải vào Việt Nam nhưng lại phải theo quy định của từng địa phương. Cộng đồng doanh nghiệp ở trong nước, nước ngoài, các đối tác mong chờ một thông điệp mang tính toàn diện về mở cửa du lịch ở Việt Nam. Điều này sẽ mang lại hiệu ứng rất tích cực cho du lịch Việt Nam”, ông Quân nói.
Theo ông Nguyễn Mạnh Quân, trong suốt 2 năm qua, mặc dù rất khó khăn nhưng các doanh nghiệp trong các lĩnh vực hàng không, du lịch đều áp dụng các giải pháp về chuyển đổi số để thích nghi với tình hình mới và môi trường mới.
Ông Quân cũng cho rằng, giai đoạn đầu mở cửa chưa có một doanh nghiệp nào đặt mục tiêu lợi nhuận mà đặt mục tiêu là phục hồi sản xuất. Cộng đồng các doanh nghiệp trong lĩnh vực hàng không, du lịch, nghỉ dưỡng, ẩm thực đã sẵn sàng và cần sự chỉ huy, hướng dẫn thống nhất của các bộ, ngành liên quan để có sự phối hợp chặt chẽ, nhịp nhàng.
“Sản xuất quay trở lại, dịch vụ quay trở lại thì chắc chắn lợi nhuận tăng lên. Chúng ta mở cửa tại thời điểm này không trông chờ tất cả các thị trường đều quay trở lại nhưng chúng ta phải chuẩn bị, chủ động và sẵn sàng để đón đầu”, ông Quân nhấn mạnh.
Ông Quân bày bỏ mong muốn các Đại sứ, Tổng đại diện cơ quan ngoại giao Việt Nam tại nước ngoài tiếp tục hỗ trợ, có cơ chế phối hợp năng động để các doanh nghiệp hàng không có thể chủ động phối hợp góp phần phát triển ổn định bền vững du lịch Việt Nam.
Xem thêm >>> Tập đoàn Mường Thanh mở bán chương trình Mega Sale 2022 với mức ưu đãi lên tới 70%
Còn ông Đỗ Trọng Hậu, Phó Tổng Giám đốc Công ty CP đầu tư khai thác nhà ga quốc tế Đà Nẵng (AHT) cũng bày tỏ vui mừng khi mở lại đường bay quốc tế và chính thức mở cửa lại du lịch.
“Chúng tôi có phương án phù hợp với nhân lực và trang thiết bị, phối hợp với các hãng hàng không để triển khai. Các đường bay bảo đảm nguyên tắc thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19”, ông Đỗ Trọng Hậu cho biết.
Ông Đỗ Trọng Hậu thông tin, thời gian qua, cũng như nhiều nhà ga địa phương khác, nhà ga quốc tế Đà Nẵng chịu ảnh hưởng bởi đại dịch COVID-19. Từ 20/3/2020, toàn bộ Cảng hàng không Quốc tế Đà Nẵng đã phải tạm dừng các chuyến bay thương mại. Trong khoảng thời gian đó, nhà ga chủ yếu phục vụ các chuyến bay giải cứu nhân đạo đưa bà con người Việt trở về quê hương.
Từ tháng 4-12/2020, nhà ga đã phục vụ 271 chuyến bay giải cứu đến và 31 chuyến đi. Từ năm 2021, nhà ga quốc tế T2 Đà Nẵng phục vụ 29 chuyến bay đến, chủ yếu là chuyến bay thương mại, cấp slot để đưa công dân về nước. Từ đầu tháng 1-11/3/2022 nhà ga cũng đã phục vụ được 29 chuyến bay.
Thực hiện quy trình xanh, con người xanh và trang thiết bị xanh, nhà ga quốc tế Đà Nẵng hạn chế thấp nhất các điểm tiếp xúc của khách hàng đi máy bay với nhân viên hàng không và các chuỗi cung ứng dịch vụ.
Bên cạnh đó, trong thời gian này, nhà ga cũng cải tạo không gian xanh để phục vụ tiện ích cho khách hàng khi quay lại sau 2 năm đại dịch, để khách hàng cảm thấy sự an toàn trong chuyến bay khi tới Việt Nam đồng thời đảm bảo an toàn khai thác và an toàn trong phòng chống dịch.
Xem thêm >>> Khám phá những điểm đến quốc tế hàng đầu với các hoạt động thú vị
Với sự sẵn sàng của các doanh nghiệp du lịch khi mở cửa du lịch, Nhà ga quốc tế T2 Đà Nẵng đã sẵn sàng chuẩn bị đón chuyến bay quốc tế và kỳ vọng sẽ có nhiều cơ hội phục vụ các hành khách đến thành phố bằng đường hàng không. Qua đó thu hút được khách du lịch đến với Cửa khẩu Đà Nẵng, đóng góp vào sự phát triển của ngành hàng không gắn bó với du lịch, từ đó đóng góp vào thúc đẩy sự phát triển kinh tế của cả đất nước.
(Theo Baochinhphu.vn)
Bạn đang đọc bài viết trên trang thông tin Thebestvietnam.vn. Mọi thông tin đóng góp vui lòng gọi Hotline: 090 377 2086 hoặc gửi về địa chỉ email: thebestinvietnam@gmail.com.
Nếu Bạn cảm thấy bài viết mang lại giá trị hãy LIKE và SHARE nhé!