Khai thác lợi thế du lịch chữa lành tại Việt Nam

Du lịch chữa lành đã trở thành loại hình du lịch phổ biến và phát triển ở một số quốc gia như Ấn Độ, Nhật Bản, Thái Lan, Indonesia… Việt Nam cũng có nhiều tiềm năng, lợi thế để phát triển loại hình du lịch này nhằm góp phần đa dạng hóa sản phẩm du lịch của các địa phương, đáp ứng nhu cầu và xu hướng của thị trường, hướng tới thực hiện mục tiêu phát triển du lịch bền vững.

Tour nghỉ dưỡng kết hợp chữa lành thích hợp cho du khách tập yoga. Ảnh: Trần Anh Khoa

Du lịch chữa lành ở Việt Nam

Việt Nam là quốc gia có nhiều lợi thế để phát triển loại hình du lịch chữa lành với địa hình đa dạng, có cả đồi núi, đồng bằng và vùng ven biển, cùng nhiều điểm suối khoáng nóng, bùn nóng trải dài trên cả nước.

Trong những năm gần đây, du lịch chữa lành tại Việt Nam đã bắt đầu được quan tâm phát triển. Bên cạnh những khu nghỉ dưỡng, spa đã có, các loại hình du lịch gắn với việc kết hợp duy trì và tăng cường sức khỏe trên cơ sở ứng dụng các phương pháp trị liệu bằng thảo dược, thiền định, yoga, thể dục dưỡng sinh, giảm cân, spa, tắm nước khoáng nóng… là những sản phẩm du lịch chữa lành đang được quan tâm đầu tư và khai thác. Công ty CP Hệ sinh thái Sức khỏe eHealthCare đã đầu tư và xây dựng Khu du lịch Chữa lành MEDI Thiên Sơn (Ba Vì, Hà Nội) – một mô hình độc đáo kết hợp giữa du lịch và chăm sóc sức khỏe, có thể coi là khu du lịch chữa lành đầu tiên tại Việt Nam. Nhiều tập đoàn lớn, công ty lớn đã bắt đầu gia nhập thị trường du lịch chữa lành của Việt Nam như Vin Group, Sun Group, BIM Group, Công ty CP Dịch vụ du lịch Onsen Fuji…

Tam Đảo (Vĩnh Phúc) và Đà Lạt (Lâm Đồng) là những điểm đến có nhiều điều kiện thuận lợi để phát triển du lịch chữa lành. Về địa hình, Tam Đảo và Đà Lạt đều là vùng rừng núi, cao nguyên, khí hậu quanh năm mát mẻ, môi trường trong lành, cảnh quan thiên nhiên thơ mộng với hệ thống động thực vật phong phú, đa dạng. Cả hai nơi đều có hệ thống cơ sở tôn giáo – tín ngưỡng phong phú. Ở Tam Đảo là Thiền viện Trúc lâm Tây Thiên, Khu di tích – danh thắng Tây Thiên, còn ở Đà Lạt có Thiền Viện Trúc lâm Đà Lạt, chùa Linh Phước, nhà thờ Domaine de Marie… Bên cạnh đó, không thể không kể đến các lễ hội cũng như những nét văn hóa truyền thống độc đáo đang được bảo tồn trong cộng đồng dân cư địa phương. Đây là nền tảng để xây dựng những khu nghỉ dưỡng hiện tại và các cơ sở có dịch vụ du lịch chữa lành chuyên đề.

Du lịch chữa lành đang được quan tâm đầu tư và khai thác

Hiện nay, các tour và các dịch vụ liên quan đến du lịch chữa lành ở Việt Nam mới chỉ manh nha xuất hiện, đa phần là hình thức du lịch chữa lành kết hợp, tức là một số dịch vụ chăm sóc sức khỏe như spa, massage, tắm lá thuốc được khách hàng lựa chọn trải nghiệm thêm trong chuyến đi du lịch của mình.

Việc phát triển du lịch chữa lành giúp thu hút các đối tượng khách có thu nhập cao, làm tăng nguồn thu từ du lịch cho các địa phương. Hơn nữa, phát triển du lịch chữa lành còn giúp các địa phương giải quyết vấn đề thời vụ vì loại hình này có thể khai thác quanh năm.

Tuy nhiên, việc phát triển du lịch chữa lành ở Việt Nam đang phải đối mặt với nhiều thách thức. Thứ nhất, loại hình du lịch là chưa được quan tâm và đầu tư đúng mức do những nhầm lần giữa du lịch chữa lành với các loại hình khác, đặc biệt là với loại hình du lịch nghỉ dưỡng hay du lịch tâm linh. Thứ hai, các sản phẩm du lịch chữa lành ở Việt Nam chưa đa dạng và chuyên nghiệp, mới chỉ dừng lại ở việc nâng cao sức khỏe qua hoạt động massage, xông hơi, ngâm chân… chứ chưa có các hoạt động chăm sóc sức khỏe chuyên đề. Thứ ba, phát triển du lịch chữa lành hiện nay còn xa rời với cộng đồng dân cư bản địa, khách du lịch chỉ đơn thuần là nghỉ dưỡng mà thiếu đi các hoạt động tìm hiểu và gắn kết với người dân địa phương. Thứ tư, năng lực quản lý và nguồn lực đầu tư cho phát triển du lịch chữa lành còn hạn chế; nguồn nhân lực phục vụ du lịch chữa lành còn thiếu về số lượng và chưa đảm bảo về chất lượng dẫn đến khách du lịch chữa lành chưa có được sự trải nghiệm liền mạch.

Khai thác tiềm năng phát triển du lịch chữa lành

Để khai thác tiềm năng và phát triển du lịch chữa lành ở Việt Nam trong thời gian tới cần thực hiện một số giải pháp cơ bản sau:

Đa dạng hóa và nâng cao chất lượng sản phẩm du lịch chữa lành

Thu hút đầu tư xây dựng các khu du lịch chữa lành chuyên đề, khu nghỉ dưỡng, các trung tâm spa, các phòng tập yoga, các địa điểm tham quan tâm linh… Đẩy mạnh phát triển sản phẩm đặc thù vốn được xem là lợi thế của du lịch chữa lành như các tour nghỉ dưỡng kết hợp chữa lành, tour du lịch thiền – yoga tại những nơi thiên nhiên còn hoang sơ, không khí trong lành thích hợp cho du khách tập yoga, ngồi thiền, tận hưởng các liệu pháp spa giải tỏa căng thẳng.

Đa dạng hóa các sản phẩm du lịch chữa lành bổ trợ cho sản phẩm đặc thù như các hoạt động hướng dẫn chăm sóc sức khỏe, sử dụng các thực phẩm lành mạnh và hữu cơ, ăn kiêng và giảm cân lành mạnh, cung cấp các sản phẩm, dịch vụ thân thiện với môi trường và có nguồn gốc địa phương nhằm làm phong phú thêm trải nghiệm của du khách khi tham gia các dịch vụ chữa lành.

Xem thêm >>> Vietravel Airlines trở thành hãng hàng không chính thức Đại hội thể thao Đông Nam Á lần thứ 31

Đưa du lịch chữa lành phát triển thành một mô hình du lịch trọng yếu ở các địa phương có tiềm năng; liên kết các dịch vụ du lịch chữa lành để xây dựng các tour chữa lành chuyên đề; nhân rộng các mô hình khách sạn và khu resort có kết hợp lưu trú với các hoạt động tĩnh tâm chăm sóc sức khỏe, nâng cao chất lượng giấc ngủ và ăn uống lành mạnh, các hoạt động nhẹ nhàng mang tính trải nghiệm, thư giãn tinh thần, giải độc cơ thể, chăm sóc da chống lão hóa, quản lý căng thẳng, cân bằng cuộc sống – công việc, các lớp học nấu đồ chay, dịch vụ tắm lá thuốc, dịch vụ massage-xông hơi, spa…

Xúc tiến quảng bá du lịch chữa lành

Tăng cường quảng bá, giới thiệu các dịch vụ chăm sóc sức khỏe và các chương trình tour chữa lành ở các hội chợ, triển lãm du lịch ở nước ngoài; sản xuất phim quảng cáo loại hình du lịch nghỉ dưỡng kết hợp chăm sóc, nâng cao sức khỏe đăng tải trên các nền tảng xã hội để quảng bá tới du khách quốc tế…

Tổ chức và quản lý hoạt động du lịch chữa lành

Tăng cường quản lý chất lượng sản phẩm du lịch chữa lành tại các cơ sở cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe; phối hợp ban hành các quy định trong thẩm định chất lượng kỹ thuật các dịch vụ chăm sóc sức khỏe tại các khách sạn, khu nghỉ dưỡng, trung tâm dịch vụ spa, các cơ sở cung cấp dịch vụ suối khoáng nóng, các phòng tập thể dục/yoga/gym…

Phát triển nguồn nhân lực du lịch chữa lành

Đội ngũ lao động phục vụ du lịch chữa lành cần có kỹ năng và chuyên môn nghiệp vụ cao trong cả lĩnh vực chăm sóc sức khỏe lẫn du lịch. Do vậy cần nghiên cứu, đánh giá nguồn lực phát triển loại hình du lịch chữa lành một cách toàn diện và bài bản để có những hướng đầu tư phát triển phù hợp; thường xuyên mở các khóa tập huấn nhằm nâng cao tay nghề chuyên môn cho đội ngũ làm trong lĩnh vực spa và nghiệp vụ du lịch tại các cơ sở cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe; liên kết đào tạo nguồn nhân lực du lịch chữa lành ở trong và ngoài nước…

Tam Đảo (Vĩnh Phúc) là một trong những điểm đến có điều kiện thuận lợ i để phát triển du lịch chữa lành. Ảnh: Cao Văn Tùng

Theo Tạp chí điện tử Du lịch